Câu chuyện Trung y: Gánh nặng ngọt ngào

Năm 2018, Đài Loan có 270,000 người kết hôn, hơn 4 triệu thanh niên chưa kết hôn, và có 181,601 trẻ sơ sinh. Đây là con số thấp nhất trong vòng tám năm trở lại đây. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2019, tỷ lệ sinh của Đài Loan là thấp nhất trong 200 quốc gia trên toàn thế giới, trung bình mỗi phụ nữ chỉ sinh 1.218 trẻ em; thống kê chính thức của Đài Loan là 1.06. Đạt vị trí quán quân thế giới về tỷ lệ sinh nhiều là Niger, một quốc gia ở Tây Phi. Trung bình mỗi phụ nữ của đất nước này sinh 7.153 trẻ. Như vậy, khoảng cách giữa hai quốc gia này rất lớn. Mỗi trẻ em mới sinh ra ở Đài Loan đều là rồng nam rồng nữ, là con cháu Viêm Hoàng cao quý. Vì vậy, bất kỳ người phụ nữ mang thai nào cũng muốn được chăm sóc thật chu đáo.

Một nữ nhân viên 30 tuổi làm việc trong nhà máy, kết hôn đã hai năm mà vẫn chưa có thai. Cha mẹ chồng nóng lòng mong được bế cháu, nên hai vợ chồng trẻ đã cùng nhau đến chữa chứng hiếm muộn. Điều trị được nửa năm, một hôm cô vợ trẻ với vẻ mặt ủ rũ nói với tôi, chuyện sinh con tạm gác lại, kinh tế hiện tại đang eo hẹp, đợi dành dụm thêm được ít tiền rồi tính tiếp. Gánh nặng nuôi con thật sự nặng nề! Thế nhưng, ‘Quán Âm tống tử’ (hình tượng Bồ tát Quán Âm bế đứa trẻ trong tay) đã đến được nửa đường rồi. Chính trong tháng quyết định không muốn mang thai, thì cô lại có thai rồi! Ông trời phải chẳng đang trêu đùa, khiến người ta dở khóc dở cười? Niềm an ủi duy nhất của cô vợ trẻ, đó là: “Tôi cũng có thể sinh con được, hừm! Đừng nghi ngờ rằng tôi có vấn đề gì nữa.”

Cô gái trẻ tuy rất sợ châm cứu, nhưng vì cục cưng của mình, nên không muốn uống thuốc. Ngay từ lúc mới mang thai, khi bị nôn mửa, cảm lạnh, tiêu chảy, đau lưng, cứng cổ, sau này là phù chân, thì cô đều dùng châm cứu để chữa trị. Ở tuần thai thứ 36, cả mẹ và bé đều an toàn. Nhưng vì bụng quá to, khiến lưng cô đau nhức không đi lại được. Mỗi ngày đều phải ngồi làm việc cả buổi, sắp không chịu nổi nữa, cô bèn nghỉ việc và yên tâm chờ sinh. Thông thường những đứa con đầu lòng hiếm khi sinh sớm, nhưng người mẹ trẻ mang thai được 38 tuần thì vị trí của thai nhi đã tụt xuống. Tôi nói với người mẹ trẻ là cô ấy có thể sinh sớm hơn dự kiến, nên chuẩn bị tinh thần trước.

Khi khám trước sinh, bác sĩ cho biết thai nhi quá to, phải chuẩn bị sinh mổ. Người mẹ trẻ cau mày, không biết phải làm sao cho tốt. Như thế sẽ tốn thêm một khoản chi phí ngoài dự kiến, cô rất lo lắng. Tôi ngạc nhiên và nghi ngờ nhìn bụng bầu của thai phụ, tôi cảm thấy vẫn ổn mà! Tôi liền hỏi: “Thai nhi nặng bao nhiêu?” Cô ấy trả lời: “Khoảng 3.6 kg.” Tôi nói ngay: “Tháng trước, một bà mẹ sinh con nặng 4.2kg, cô ấy sinh con tự nhiên thuận lợi. 3.6kg không quá to. Nếu không có triệu chứng nào khác, sinh thường tốt hơn cho cả mẹ và con!” Xương chậu có thể co giãn, nên khi châm cứu, tôi bèn châm thêm huyệt Dương lăng tuyền để thúc đẩy sự co bóp của tử cung.

Một buổi sáng, cổ tử cung của sản phụ đã mở hai phân, nước ối chưa vỡ, nhưng cô vẫn đi đến chỗ tôi để châm cứu. Thông thường lần đầu tiên mang thai, thời gian đợi sinh rất lâu. Sau khi châm cứu da đầu, tôi cho lưu kim để cô quay về chờ sinh. Trước khi đi, tôi nắm tay cô ấy, động viên cô phải cố gắng! Tôi dặn dò: “Đừng sợ đau, ráng chịu một chút rồi sẽ qua. Chưa đến giây phút cuối cùng, thì cố gắng đừng chích thuốc sinh không đau vì di chứng rất khó đoán trước. Cảm giác căng thẳng và vui sướng khi lần đầu làm mẹ đan xen, ở giai đoạn cuối của thai kỳ, người mẹ nào cũng nóng lòng muốn trút bỏ gánh nặng trong bụng.” Kết quả là ngày hôm sau, người mẹ trẻ đã sinh con một cách tự nhiên và thuận lợi, mọi người đều vui mừng.

Ngày thứ ba sau khi sinh, giữa mùa hè nóng bức, người mẹ trẻ đội khăn trùm đầu đi đến phòng khám. Bụng cô ấy vẫn rất to, toàn thân phù thũng, trông còn sưng hơn trước khi sinh, ngay cả mặt cũng bị sưng lên. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi hỏi sản phụ: “Không ở nhà kiêng cữ, chạy ra ngoài làm gì? Em có chỗ nào khó chịu phải không?” Sản phụ nói, vì sinh con đau quá nên đã chích thuốc sinh không đau rồi. Sau khi sinh, cô không thể đi tiểu được, phải rặn rất mạnh mới ra được một ít nước tiểu. Tình trạng phù nề ở chân còn nặng hơn trước khi sinh, toàn thân trướng lên như sắp vỡ tung. Sản phụ nói như sắp khóc. Tôi chỉ biết cảm thán. Ôi! Khả năng chịu đau của các cô gái trẻ thật dở, không biết phải nói gì đây.

Việc tiểu tiện bắt đầu như thế nào?

Cơ chế tiểu tiện cần từ vỏ đại não, cầu não, tủy sống đến hệ thần kinh ngoại biên cùng phối hợp với nhau. Dây thần kinh Hội âm ức chế việc đi tiểu, khi lượng nước cần bài tiết đạt tới điểm giới hạn của việc đi tiểu, bộ phận chịu đựng sức căng trong bàng quang sẽ kích hoạt trung khu bài tiểu của não. Đồng thời nó dẫn phát các dây thần kinh giao cảm phụ của xương cùng, làm cho bàng quang co lại, và ức chế dây thần kinh giao cảm và thần kinh của cơ thể. Duy trì phản xạ tiểu tiện cần do tủy sống truyền lên dây thần kinh cảm giác, để điều khiển trung khu tiểu tiện ở cầu não. “Công trình” bài tiết nước tiểu lớn như vậy, phải thực hiện từ đâu? Lượng thuốc của mũi chích sinh không đau là bao nhiêu? Liệu việc chích thuốc sinh không đau có ức chế cơ chế dẫn truyền thần kinh khi tiểu tiện không?

Điều trị bằng châm cứu

Tư thế nằm sấp, khởi động đại não chỉ huy trung khu thần kinh, châm ba hàng kim tại huyệt Bách hội. Để kích hoạt dây thần kinh xương cùng, châm hai hàng kim ở da đầu, chẩm đỉnh và vùng xương cùng, vòng ba đường bên cạnh trán; đường giữa đỉnh, từ huyệt Tiền đỉnh, châm hướng đến huyệt Bách hội, dùng phương pháp châm tả.

Để tăng cường chức năng lợi tiểu khỏe thận, châm cứu huyệt Thận du, đâm kim tạo thành góc 15 độ, châm từ trên xuống dưới sâu vào xương, dùng băng giấy dán bên ngoài, giữ kim đến tối. Để thúc đẩy việc tiểu tiện, châm huyệt Bàng quang du. Để tiêu tán khí dư của mũi tiêm không đau khi sinh, châm đồng thời hai kim vào huyệt Mệnh môn. Để tăng cường bài nước, châm các huyệt Âm lăng tuyền và Thái khê.

Huyệt Dũng tuyền có tác dụng bổ thận, lợi tiểu, có thể đáp ứng tủy não và có hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cô gái vừa nghe nói phải châm huyệt Dũng tuyền thì lập tức nói không muốn, vì nghe nói châm vào huyệt đó rất đau. Tôi đành phải hướng dẫn cô ấy tự mình ấn nhẹ các huyệt Âm lăng tuyền, Thái khê và Dũng tuyền. Châm cứu xong, khoang bụng dưới của sản phụ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Sau khi rút kim ra, cô lập tức đi vào nhà vệ sinh để ‘xả lũ.’ Tôi dặn dò cô ấy, nếu về nhà mà vẫn khó đi tiểu thì ngày hôm sau quay lại khám.

Ngày hôm sau tôi không thấy người mẹ trẻ đến. Hóa ra vào đêm châm cứu cô đã có thể đi tiểu bình thường. Người mẹ mới sinh con lần đầu tự mình chăm sóc đứa con mới chào đời, tay chân hơi luống cuống, nhưng cô luôn đắm chìm trong niềm hạnh phúc của gánh nặng ngọt ngào.

(Bài viết được trích từ cuốn “Lục chỉ y thủ – Vị vô minh điểm đăng” [Tạm dịch: Bàn tay y tế sáu ngón – Thắp sáng ngọn đèn cho sự vô minh] do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Bìa cuốn sách “Lục chỉ y thủ”. (Ảnh: Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Bìa cuốn sách “Lục chỉ y thủ”. (Ảnh: Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Sương Sương biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn