Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống

Loại bỏ 5 thói quen sinh hoạt điển hình, kết hợp với các bài thuốc Trung y đơn giản và bấm huyệt giúp giảm đau đầu và chóng mặt.

Các nghiên cứu đã xác nhận rằng phương thức xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và hướng dẫn ăn uống trong Trung y có thể làm giảm hoặc điều trị chứng đau đầu và chóng mặt.

Theo Trung y, đau đầu, chóng mặt là do thiếu máu não, thiếu oxy do khí huyết không đủ. Áp dụng các liệu pháp tự nhiên như xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và các món ăn thảo dược qua bổ máu, lưu thông máu, hoạt huyết và thanh nhiệt, giúp điều hòa khí huyết và sảng khoái tinh thần.

Những căng thẳng thời hiện đại và lối sống với nhịp độ nhanh có thể dễ dàng gây đau đầu. Nhìn chung, những người bị đau đầu đều có 5 thói quen sau:

  • Tự tạo áp lực quá lớn cho bản thân.
  • Thường có tư thế xấu.
  • Ăn quá nhiều thức ăn lạnh.
  • Không sấy tóc khô hoàn toàn sau khi gội.
  • Làm việc quá sức.

Vì vậy, để loại bỏ chứng đau đầu, trước tiên cần phải loại bỏ những thói quen không lành mạnh này. Đồng thời, cũng có thể thử một số phương thức điều trị Trung y đơn giản và hiệu quả.

1. Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp các huyệt liên quan là cách đơn giản và dễ dàng giúp giảm nhanh các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đau nửa đầu. Nguyên lý của phương pháp này là giúp điều chỉnh lưu lượng khí và huyết bằng cách kích thích các huyệt cụ thể trên tay, chân, đầu, cổ và các bộ phận khác, từ đó điều chỉnh trạng thái của các bộ phận cơ thể liên quan.

Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và các liệu pháp tự nhiên như trà thảo dược và cách ăn uống trong Trung y đã nổi tiếng hàng nghìn năm ở Trung Hoa và đang thu hút ngày càng nhiều nghiên cứu và thực hành ở Tây phương.

Một báo cáo nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Medical Association (JAMA) (Tập san của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ) cho biết rằng, trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên kéo dài 24 tuần với 249 bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu không có tiền triệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, so với những người được châm cứu giả và nằm trong danh sách chờ châm cứu, những người được châm cứu thật đã giảm đáng kể tần suất tái phát chứng đau nửa đầu.

Sau đây là một số huyệt thường được sử dụng để điều trị chứng đau đầu. Cách xoa bóp là dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn vào huyệt với cường độ vừa phải. Số lần xoa bóp có thể khác nhau; quý vị có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào theo sở thích.

– Huyệt Khâu khư

Huyệt Khâu khư nằm ở chỗ lõm phía trước mắt cá chân bên ngoài. Bấm huyệt này có thể điều trị chứng đau nửa đầu. Nếu bị đau đầu ở bên phải, hãy ấn huyệt Khâu khư ở mắt cá chân trái và ngược lại. Xoa bóp bấm huyệt này trong khoảng 3 đến 4 giây là đủ để giảm đau.

Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống
Huyệt Khâu Khư. (Ảnh: The Epoch Times)

– Huyệt Xích trạch

Huyệt Xích trạch nằm ở phía trong cánh tay, điểm sâu nhất tại hố khuỷu tay khi gập cánh tay. Nếu động mạch cảnh bị co thắt, dòng máu sẽ bị tắc nghẽn và khó lưu thông lên trên, do đó làm giảm lượng máu cung cấp lên não, dẫn đến cứng cổ, đau cổ, nhức đầu, chóng mặt. Ấn liên tục vào huyệt Xích trạch sẽ giúp giảm cứng cổ.

Ấn huyệt Xích trạch bên trái giúp thả lỏng và cử động phần cổ bên trái. Ấn huyệt Xích trạch bên phải, giúp thả lỏng phần cổ bên phải, làm mở rộng các động mạch cảnh. Điều này giúp làm giảm áp lực và cho phép lưu thông máu lên đầu, từ đó làm giảm và chữa được chứng đau đầu.

Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống
Huyệt Xích trạch. (The Epoch Times)

– Huyệt Hợp cốc và huyệt Liệt khuyết

Huyệt Hợp cốc nằm ở rãnh giữa ngón cái và ngón trỏ. Huyệt Liệt khuyết nằm ở cổ tay dưới.

Không khí lạnh thổi trực tiếp lên đỉnh đầu có thể gây đau đầu vì khí lạnh làm chậm quá trình lưu thông khí huyết. Cổ y văn có ghi chép cho thấy việc xoa bóp luân phiên các huyệt Hợp cốc và Liệt khuyết có thể điều trị chứng đau ở đầu và mặt. Đây là phương pháp cải thiện tình trạng đau đầu rất hiệu quả, đặc biệt là chứng đau nửa đầu.

Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống
Huyệt Hợp cốc (Ảnh: The Epoch Times)
Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống
Huyệt Liệt Khuyết. (Ảnh: The Epoch Times)

– Huyệt Dũng tuyền

Huyệt Dũng tuyền nằm ở chỗ lõm dưới lòng bàn chân, khoảng 1/3 phía trước chiều dài bàn chân. Xoa bóp bấm huyệt này có thể làm giảm các loại đau đầu. Có thể ấn vào huyệt Dũng tuyền bên trái hoặc phải, đồng thời cũng có thể xoa bóp huyệt này bằng cách đi chân trần trên đường. Những viên sỏi sẽ kích thích vào huyệt Dũng tuyền và các huyệt khác ở lòng bàn chân. Phương thức “Chữa đau đầu bằng cách kích thích bàn chân” được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng truyền thống của Trung Hoa. Quá nhiều khí ở đầu sẽ gây đau đầu, bằng cách kích thích lòng bàn chân, khí sẽ đi xuống bàn chân, làm giảm lượng khí dư thừa ở đầu và giảm đau đầu.

Giảm đau đầu, chóng mặt bằng xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và cách ăn uống
Huyệt Dũng tuyền (KI-1) (Ảnh: The Epoch Times)

2. Trà thảo dược

Uống trà thảo dược là cách thuận tiện và thiết thực để bổ máu, thanh nhiệt, làm dịu thần kinh, bổ thận, cùng nhiều tác dụng khác. Trà thảo dược có tác dụng phòng ngừa và điều trị chứng đau đầu, chóng mặt. Dưới đây là một số loại trà chữa bệnh phổ biến.

– Trà Kỷ tử

Kỷ tử là một loại dược thảo truyền thống của Trung Hoa có tác dụng bảo vệ mắt, cải thiện thị lực và dưỡng huyết, can (lá gan), thận, v.v… Trà Kỷ tử có thể điều trị đau đầu và chóng mặt do thận khí hư hoặc can yếu. Chuẩn bị trà Kỷ tử với 10 – 20g (0.4 đến 0.7 ounce) Kỷ tử, pha với nước sôi rồi uống. Trà Kỷ tử có thể uống hàng ngày để dưỡng da và cải thiện thể lực.

– Trà táo đỏ, quế và gừng

Táo đỏ bổ khí huyết, bổ tỳ, chữa đau đầu chóng mặt do khí huyết không đủ. Gừng được sử dụng rộng rãi trong Trung y vì đặc tính làm ấm và giảm đau, có thể giúp điều trị đau đầu và chóng mặt.

Quế cũng có tác dụng làm ấm và có thể dẫn khí trở về nơi nguyên thủy. Đó là các bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, bao gồm cả Minh môn (vùng thắt lưng) và thận. Để pha trà, dùng 10 đến 20g (0.4 đến 0.7 ounce) táo đỏ, 5 đến 10g (0.2 đến 0.4 ounce) gừng cắt nhỏ, 3 đến 5g (0.1 đến 0.2 ounce) quế và một chút đường thô. Cho nước vào, đun sôi và uống như trà để bồi bổ khí huyết và giảm đau đầu.

3. Liệu pháp ăn uống trị bệnh

Thêm thảo dược vào các bữa ăn là một cách ăn ngon miệng và bổ dưỡng giúp bổ sung khí huyết, thận, v.v… Nguyên lý của liệu pháp này là chọn một số loại dược liệu Trung Hoa có đặc tính phù hợp để thêm vào thức ăn. Các loại thảo dược và thực phẩm phù hợp có thể giúp chống lại chứng đau đầu và chóng mặt.

Canh đầu cá măng

Cá măng là loài cá nước mặn chứa nhiều protein, calcium (canxi), sắt, kẽm và các chất dinh dưỡng khác, có thể dưỡng thận và huyết, bổ sung khí, làm dịu tâm trí, v.v…

  • Đun sôi 3 đến 5 đầu cá măng.
  • Thêm Thiên ma, Phục linh, Đẳng sâm, hoa cúc và 2 lít nước. Nấu trong khoảng 20 phút.
  • Thêm 1 miếng đậu hũ cắt miếng vào nấu thêm 5 phút nữa.
  • Thêm Câu đằng, sau đó khuấy kỹ và thêm gia vị trước khi dùng.

Mọi người trong gia đình đều có thể ăn món canh này để làm dịu thần kinh và bổ não. Đầu cá măng biển, Thiên ma, Đẳng sâm, v.v… dưỡng lá lách, dạ dày và tiêu ẩm dư thừa, đồng thời cũng giúp giảm đau đầu và chóng mặt.

Thiên ma có hơn 81 hợp chất, trong đó phenol và polysaccharide thường được xem là có hoạt tính sinh học mạnh nhất. Thiên ma thuộc họ lan, có thể dùng để an thần, giảm đau khi chuyển dạ và chóng mặt. Đó là một loại thảo dược Trung Hoa, được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng Trung y để điều trị đau đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, động kinh, v.v…

Nguyên nhân gây chóng mặt và liệu pháp điều trị của Trung y

Chóng mặt là một dấu hiệu cảnh báo và có thể đe dọa tính mạng trong những trường hợp nghiêm trọng. Nguyên nhân hàng đầu của chứng chóng mặt là thiếu máu não cục bộ và thiếu oxy, gây rối loạn chức năng não. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não và thiếu oxy như thiếu máu não tư thế, thiếu máu, huyết áp không ổn định, tắc nghẽn mạch máu. Chóng mặt có thể là triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn hoặc thiếu hụt [khí huyết].

Theo quan điểm của Trung y, để loại bỏ chứng chóng mặt từ gốc rễ, nên sử dụng nhiều liệu pháp khác nhau để bảo đảm đủ lưu lượng máu, làm giãn mạch, cho phép khí và máu lưu thông lên não, và sảng khoái tinh thần.

Trung y đã phát hiện ra rằng, cơ thể con người có một hệ thống kinh mạch, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Đây là những chất thiết yếu của sự sống, duy trì mọi hoạt động sinh lý của cơ thể. Khí là “năng lượng” hay “sự sống” cấu tạo nên sự sống trong cơ thể, còn huyết bổ sung chất dinh dưỡng. Sự lưu thông không ngừng của khí và huyết duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô và cơ quan khác nhau. Khi khí huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt thì bệnh tật hoặc các tình trạng khác có thể xảy ra.

Ngoài việc xoa bóp bấm huyệt, trà thảo dược và dùng thuốc như thức ăn, các bác sĩ Trung y có thể kê toa thuốc để điều trị đau đầu và chóng mặt. Ví dụ: “Cát căn thang” và “Khương hoạt thắng thấp thang” làm giãn mạch máu của cơ và giúp khí và máu đi đến não. Ngoài ra, còn có các bài thuốc bồi bổ khí huyết, chẳng hạn như “Tứ quân tử thang” và “Tứ vật thang” hoặc “Bát trân thang” (là sự kết hợp của “Tứ quân tử thang” và “Tứ vật thang”).

Một số dược liệu tự nhiên của Trung Hoa này có thể bổ khí, một số có thể bổ huyết và một số có thể bổ cả hai. Khi khí và huyết đầy đủ, cơ thể con người sẽ có đủ máu để cung cấp cho tất cả các bộ phận trong cơ thể, giúp huyết áp ổn định, não không bị thiếu máu và oxy, từ đó giúp cải thiện hoặc chữa khỏi chứng đau đầu, chóng mặt. Có thể gặp bác sĩ Trung y để kê toa thuốc phù hợp với tình trạng của quý vị nếu cần.

Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có vẻ không quen thuộc nhưng thường có bán ở các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe và tiệm tạp hóa Á châu. Ngoài ra, do thể trạng của mỗi người là khác nhau nên các phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn