Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các loại trà có thể vô hiệu hóa virus COVID-19

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên phóng đại những lợi ích tiềm tàng trên thực tế.

Một tách trà có thể là vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống lại COVID-19, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy một số loại phổ biến có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 trong nước bọt.

Nghiên cứu mang đến một tia hy vọng rằng một thức uống đơn giản như ly cà phê buổi sáng có thể giúp hạn chế sự lây lan của virus gây đại dịch.

Các loại trà phổ biến có thể giảm đáng kể nồng độ SARS-CoV-2 chỉ trong vài giây

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 24 loại trà trên thị trường và xác định 5 loại làm giảm đáng kể nồng độ SARS-CoV-2 trong nước bọt. Đó là mâm xôi zinger (raspberry zinger), bạch đàn bạc hà (eucalyptus mint), hỗn hợp bạc hà (mint medley), trà xanh và trà đen.

Nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị các loại trà có thể uống được bằng cách ngâm túi trà trong cốc nước khoảng 10 phút mà không thêm bất kỳ chất bổ sung nào như sữa hoặc đường. Sau đó, họ thử nghiệm từng loại trà dưới dạng đồ uống hoặc nước súc miệng.

Các phát hiện được công bố trên Food and Environmental Virology (Tập san Virus học thực phẩm và môi trường) cho thấy 5 loại trà đều làm giảm lượng virus ít nhất 96% chỉ trong vòng 10 giây khi sử dụng trong miệng và cổ họng. Khi súc miệng, trà thậm chí còn hiệu quả hơn, loại bỏ 99,9% virus trong cùng một khoảng thời gian.

Trà đen chứng tỏ khả năng mạnh nhất. Theo các tác giả, điều này khá quan trọng vì COVID-19 chủ yếu lây nhiễm và nhân lên trong khoang miệng trước khi lan sang phổi.

Bà Malak Esseili, nhà virus học tại Trung tâm An toàn Thực phẩm thuộc Đại học Georgia, Trường Khoa học Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong một tuyên bố: “Việc vô hiệu hóa SARS-CoV-2 trong khoang miệng và họng có khả năng làm giảm sự xâm nhập của virus vào hệ hô hấp dưới.”

Bà Esseili cho biết, việc sử dụng trà không thể thay thế cho các chăm sóc y tế và vẫn cần thêm thử nghiệm lâm sàng để đánh giá đầy đủ tác dụng trên bệnh nhân COVID-19. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách nuôi cấy tế bào mà không phải thử nghiệm trên người tham gia.

Nghiên cứu bổ sung cho cơ sở về khả năng tiêu diệt virus của nước súc miệng

Trong một nghiên cứu năm 2021, được công bố trên Pathogens (Tập san Bệnh nguyên), các nhà khoa học phát hiện hai loại nước súc miệng có thể tiêu diệt virus COVID-19 trong điều kiện phòng thí nghiệm, ngăn chặn sự nhân lên trong tế bào người.

Cụ thể, các tác giả xác định rằng Listerine và nước súc miệng kê toa chứa chlorhexidine có thể tiêu diệt virus trong vòng vài giây khi được pha loãng đến nồng độ tương đương với mức sử dụng thực tế.

Hai loại nước súc miệng khác – Betadine, chứa povidone-iodine và Colgate Peroxyl, chứa hydrogen peroxide – cũng có khả năng ngăn chặn hiệu quả sự lây truyền virus.

Tuy nhiên, chỉ Listerine và chlorhexidine mới có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 trong khi tác dụng tối thiểu lên các tế bào da mỏng bên trong khoang miệng vốn tạo thành hàng rào bảo vệ chống nhiễm trùng.

Ông Daniel H. Fine, chủ tịch Khoa Sinh học Răng miệng của trường và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí vào thời điểm đó: “Cả Povidone-iodine và Peroxal đều gây chết tế bào da đáng kể, trong khi Listerine và Chlorhexidine có khả năng tiêu diệt tế bào da ở mức tối thiểu với nồng độ mô phỏng được sử dụng hàng ngày.”

Dựa trên những phát hiện này, một thử nghiệm mù đôi, có đối chứng gần đây, được công bố vào năm 2023 trên Annals of Allergy, Asthma & Immunology (Tập san Biên niên sử về Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học), phát hiện rằng những bệnh nhân dương tính với COVID khi súc miệng và rửa mũi bằng dung dịch nước muối ấm đơn giản bốn lần mỗi ngày trong 14 ngày có tỷ lệ nhập viện thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.

Chuyên gia: Kết quả phòng thí nghiệm không phải lúc nào cũng áp dụng được trên lâm sàng

Những phát hiện trong phòng thí nghiệm không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích trong thế giới thực.

Tiến sĩ Sharon Nachman, trưởng Khoa Truyền nhiễm Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Stony Brook, nói với The Epoch Times: “Rất nhiều lần chúng tôi thử nghiệm điều gì đó trong đĩa petri và kết quả thật tuyệt vời.”

Bà cho biết: “Thực tế là một thứ gì đó tiêu diệt vi khuẩn trong phòng thí nghiệm không có nghĩa là sẽ có hiệu quả trên người. Mặc dù kết quả có thể cho thấy một chất tiêu diệt được vi khuẩn, virus hoặc nấm, nhưng đôi khi liều lượng tương đương lại gây độc ở người, không tồn tại đủ lâu hoặc làm phát sinh các vấn đề khác.”

Tiến sĩ Nachman lưu ý rằng một vấn đề của nghiên cứu về trà là không mô phỏng tốc độ dung dịch di chuyển qua miệng. Bà nói: “Thức uống ở trong miệng vài nano giây. Trong phòng thí nghiệm, họ cho virus vào trà, và các chất có thể tiếp tục hoạt động trong hơn micro giây, điều này khác hoàn toàn với điều kiện trong khoang miệng.”

COVID-19 lây nhiễm vào mũi và phổi, không chỉ ở miệng. Tiến sĩ Nachman cho biết: “Ngay cả một đợt ho cũng sẽ thải ra lượng virus nhiều hơn mức bị tiêu diệt trong miệng khi súc miệng trong 20 phút.”

Vì vậy, mặc dù thức uống nóng như trà có thể mang lại một số lợi ích, nhưng “liệu chúng có thực sự giúp bạn khỏe mạnh hơn hay giảm lượng virus lây truyền hay không, thì điều đó chưa thể khẳng định được,” bà nói.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn