Phần Lan có thực sự là vùng đất hạnh phúc?

Báo cáo Sống khỏe Toàn cầu có nhiều thiếu sót. Chúng ta nên suy nghĩ lại cách đo lường sức khỏe và hạnh phúc quốc gia.

Người Phần Lan dường như có nhiều lý do để vui mừng trong thời gian gần đây. Ngoài việc trở thành thành viên mới nhất của NATO, Phần Lan còn được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới – trong bảy năm liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên gần đây nhất.

Tuy nhiên, đằng sau những danh xưng hào nhoáng này là một số sự thật khá mâu thuẫn và đáng lo ngại.

Điều gì đang thực sự diễn ra?

Trước hết, hạnh phúc là cảm xúc thoáng qua và là một trong nhiều cảm xúc chúng ta trải qua mỗi ngày. Giống như chứng khó tiêu và đầy hơi, đến rồi đi. Trên thực tế, con người trải qua trung bình hơn 400 trạng thái cảm xúc trong mỗi 24 tiếng.

Mặc dù được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất nhưng Phần Lan lại có tỷ lệ tự tử cao, đặc biệt là ở những người trẻ.

Trong số 44 quốc gia ở châu Âu, Phần Lan có tỷ lệ người dưới 25 tuổi tử vong do sử dụng ma túy quá liều cao nhất. Vào năm 2022, gần 30% số thương vong liên quan đến ma túy là ở nhóm người từ 25 tuổi trở xuống. Trung bình, người sử dụng ma túy ở Phần Lan qua đời sớm hơn 10 năm so với người sử dụng ma túy ở các nước EU khác.

Hơn nữa, ngày càng nhiều người Phần Lan bị trầm cảm và lo lắng, và quốc gia này có tỷ lệ tiêu thụ thuốc chống trầm cảm cao nhất thế giới.

Vì Phần Lan chìm trong bóng tối trong một số tháng của mùa đông và việc thiếu ánh sáng mặt trời có liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe tâm thần kém hơn, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người Phần Lan phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Phần Lan có thể được xem là một nơi hạnh phúc, còn chưa kể đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Thực tế Báo cáo của Liên hợp quốc là theo dõi sự hài lòng

Trái ngược với niềm tin phổ biến, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới không thực sự đo lường mức độ hạnh phúc. Thay vào đó, báo cáo này (do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc ủy quyền) phân tích dữ liệu khảo sát toàn cầu từ người dân ở hơn 150 quốc gia. Dựa trên những đánh giá về cuộc sống của họ trong ba năm trước đây (trong trường hợp này là từ 2021 đến 2023), sau đó sắp xếp các quốc gia về “mức độ hạnh phúc.”

Trên thực tế, điều được đánh giá là thứ gì đó gần với sự khỏe mạnh hoặc hài lòng. Và khác biệt giữa hạnh phúc và sự hài lòng vượt xa mặt ngữ nghĩa, theo ghi nhận của nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman.

Hạnh phúc giống như một trải nghiệm thoáng qua xảy ra một cách tự nhiên. Ví dụ: bạn gặp một người bạn thân đã không gặp trong nhiều tháng tại quán Starbucks địa phương và ngay lập tức bạn cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, khi người bạn đó rời đi, niềm hạnh phúc đó có thể bị thay thế bằng một cảm xúc khác, như nỗi buồn.

Mặt khác, sự hài lòng là một trạng thái tinh thần lâu dài hơn. Đó không phải là cảm xúc [nhất thời] mà là điều gì đó vững chắc và ổn định hơn nhiều – một cảm giác liên tục được hình thành qua nhiều ngày, tuần, tháng và năm.

Người Hy Lạp cổ xưa hiểu rõ điều này. Các triết gia Hy Lạp gọi việc theo đuổi sự hài lòng lâu dài là eudaimonia, một danh từ tách biệt so với chủ nghĩa khoái lạc vốn cho rằng không có gì quan trọng hơn thỏa mãn [lạc thú].

Người Phần Lan hiện thực và người Mỹ phi hiện thực

Chúng ta trở lại với người dân Phần Lan. Đối với người Phần Lan bình thường, cuộc sống tốt đẹp đơn giản vì những kỳ vọng của họ rất thực tế.

Ngược lại, Hoa Kỳ, kể từ năm 2012 quốc gia này không còn nằm trong top 20 quốc gia hạnh phúc nhất, lại là nơi mà những kỳ vọng phi thực tế ngự trị ở mức cao nhất. Điều này đã xảy ra trong nhiều năm.

Quá xem trọng hạnh phúc là bệnh lý hóa cảm giác buồn bã (trái ngược với hạnh phúc), vốn là cảm xúc rất bình thường của con người. Như nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng Adam Lane Smith đã nói, “Buồn cũng không sao. Điều đó không có nghĩa là bạn đang chán nản. Không phải mọi thứ đều là căn bệnh có thể chẩn đoán được.”

Ở Hoa Kỳ và xa hơn nữa, nhiều người đã được hưởng lợi từ cái gọi là “sự hối hả hạnh phúc,” với việc các tác giả bán sách khuyến khích chúng ta nghĩ rằng mình hạnh phúc và nhiều diễn giả có ảnh hưởng thuyết giảng cho đại chúng về khả năng tồn tại hạnh phúc.

Điều này khá tốt. Có ai lại không muốn hạnh phúc đâu? Đó là một cảm giác tuyệt vời. Tuy nhiên, điều chúng ta nên theo đuổi là tìm cách hài lòng hơn với cuộc sống và đẩy lùi cảm giác bất mãn đang lan rộng.

Những thiếu sót trong nỗi ám ảnh về GDP của Báo cáo

Theo Tiến sĩ Daniel Benjamin, một học giả đã dành nhiều năm cuộc đời mình để khám phá những thành phần cốt lõi của một cuộc sống tốt đẹp thực sự, thì Báo cáo Hạnh phúc Thế giới còn thiếu sót.

Là giáo sư về kinh tế hành vi và địa lý kinh tế tại University of California, Los Angeles, ông Benjamin nhấn mạnh rằng báo cáo đo lường tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Tuy GDP là chỉ số chính cho thấy sự tiến bộ về kinh tế nhưng lại là thước đo kém về phúc lợi tổng thể.

Nói tóm lại, việc cải thiện GDP bình quân đầu người gắn liền với việc tiêu dùng và sản xuất quá mức, chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ trong xã hội đồng thời làm cạn kiệt thời gian nhàn rỗi của chúng ta và gây hại cho môi trường. Thật không may, ông Benjamin lưu ý, theo cách tiếp cận này, chiến tranh và thiên tai thậm chí có thể được xem là những điều tích cực [với mức độ hạnh phúc]. GDP bình quân đầu người cao không thể bảo đảm rằng mọi người sẽ có cuộc sống hài lòng và thỏa mãn nhưng nó luôn được đưa vào Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

Hơn nữa, ông Benjamin và các đồng nghiệp đã cho thấy rằng bộ câu hỏi khảo sát phổ biến được sử dụng trong các nghiên cứu về hạnh phúc và sức khỏe thường dẫn đến việc cả nhà nghiên cứu và người trả lời đều hiểu sai, do đó ảnh hưởng đến việc thu thập và trình bày dữ liệu.

Ông lưu ý rằng bằng cách thực hiện những điều chỉnh nhỏ trong cách diễn đạt bộ câu hỏi khảo sát, các nhà kinh tế và những người tham gia có thể hiểu rõ hơn về các chủ đề đang được thảo luận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của một quá trình lâu dài nhằm tạo ra thước đo toàn diện về sống khỏe quốc tế để có thể cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách.

Ông Benjamin ủng hộ việc phát triển một chỉ số bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của hạnh phúc – nói cách khác, một điều gì đó hoàn toàn khác so với báo cáo hạnh phúc hiện tại.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

John Mac Ghlionn
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn