Tập thể dục cải thiện đáng kể các triệu chứng ADHD ở trẻ em

Ngoài việc cải thiện sức khỏe tổng thể, tập thể dục có thể giúp giảm lo lắng và trầm cảm ở trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD).

Lợi ích của việc duy trì hoạt động và tập thể dục ở mọi giai đoạn của cuộc sống đã được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những lợi ích cụ thể của việc vận động đối với trẻ em và thanh thiếu niên đang phải vật lộn với chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).

Những người trẻ mắc chứng ADHD thường cảm thấy lo lắng, bốc đồng và không có khả năng tập trung chú ý trong một khoảng thời gian dài. Vận động đầy đủ có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng phổ biến của ADHD và trợ giúp sức khỏe tổng thể của bộ não và nhận thức.

Trong đại dịch COVID-19

Không có gì ngạc nhiên khi mức độ rèn luyện thể chất của giới trẻ đã giảm trong những năm gần đây. Những lý do dẫn đến sự suy giảm này có thể khác nhau, nhưng có một số tranh cãi rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh vấn đề vốn đang gia tăng một cách đều đặn.

Ngay cả trước COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã báo cáo rằng chỉ có 24% trẻ em từ 6 đến 17 hoạt động thể chất từ ​​vừa phải đến mạnh 60 phút hàng ngày theo khuyến nghị đã có từ lâu của “Hướng dẫn hoạt động thể chất dành cho người Mỹ.”

Việc phải ở nhà và nhiều chương trình thể thao và thể dục bị ngừng hoạt động trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Một bài viết trên Hiệp hội Y học Thể dục Nhi khoa Bắc Mỹ đưa tin, “Người ta đã nêu lên những lo ngại chính đáng về tình trạng trầm trọng thêm trong lúc đại dịch kéo dài – không hoạt động thể chất và ngồi quá nhiều. Thật vậy, hành vi ngồi một chỗ (~3.1 giờ/ngày) gia tăng đáng kể và hoạt động thể chất giảm đáng kể (33.5%) đã được báo cáo trên toàn cầu trong thời gian cách ly tại nhà do COVID-19.”

Hiển nhiên điều này cũng dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì tăng nhanh ở trẻ em.

Bác sĩ nhi khoa của Trung tâm Y tế Mercy, Tiến sĩ Emily Wisniewski, thành viên của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, đã nhận thấy xu hướng này khi nghiên cứu trên trẻ em.

Bà Wisniewski nói với The Epoch Times trong thư điện tử, “COVID đã làm giảm 100% mức độ vận động ở trẻ em. Việc vận động không chỉ liên quan đến các lợi ích sức khỏe thể chất/y tế như giảm béo phì, tiểu đường và cholesterol, mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh tâm thần khác kèm theo như trầm cảm và lo lắng. Bệnh nhân ADHD có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tâm thần khác nói chung. Do không được tham gia các hoạt động thể chất, trẻ em có nguy cơ cao hơn.”

Tác dụng tích cực của việc tập thể dục

Đối với trẻ em, vì sự chuyển đổi sang lối sống ít vận động diễn ra trong giai đoạn hình thành thói quen và đặt định cho nền tảng sức khỏe trong tương lai, nên những tác động tiêu cực càng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Đối với những người trẻ mắc chứng ADHD, việc vận động đầy đủ có thể còn quan trọng hơn và ảnh hưởng của lối sống ít vận động thậm chí còn gay gắt hơn.

Nghiên cứu nhấn mạnh mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và sự thuyên giảm các triệu chứng của ADHD, khiến nhiều chuyên gia khuyến nghị tập thể dục như một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị ADHD. Một bài tổng quan vào tháng 01/2020 về Rối loạn nhân cách ranh giới và Rối loạn điều hòa cảm xúc đã cho thấy sự trùng lặp đáng kể về tác dụng của tập thể dục và các loại thuốc điều trị ADHD thông thường đối với sinh lý thần kinh của bệnh nhân ADHD.

“Tương tự như với thuốc, tập thể dục có thể bù đắp cho mức catecholamine không ổn định trong ADHD và do đó cải thiện chức năng nhận thức và hành vi,” bài tổng quan cho biết.

Các nghiên cứu khác đã nhấn mạnh vai trò tích cực của các bài tập thể dục trong việc giảm các triệu chứng ADHD. Một phân tích tổng hợp vào tháng 11/2019 trên Hiệp hội Y khoa thể dục nhi khoa Bắc Mỹ có nhan đề “Tác động của tập thể dục đối với trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý” đã xem xét 14 nghiên cứu bao gồm 574 trẻ em mắc ADHD. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau bao gồm nhiều loại hoạt động thể chất khác nhau (ví dụ: bơi lội và bóng rổ) và nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng kết quả tổng thể vẫn luôn khả quan.

Tác giả nghiên cứu Yu Zang kết luận rằng, “Tập thể dục có đóng góp to lớn nhờ sự cải thiện đáng kể tình trạng lo âu và trầm cảm, hành vi gây hấn, suy nghĩ và các vấn đề xã hội ở những em mắc chứng ADHD. Vì vậy, việc tập thể dục nên được đưa vào cuộc sống hàng ngày của trẻ bị ADHD.”

Nghiên cứu cũng cho biết, “Trầm cảm là vấn đề lớn ở trẻ em mắc chứng ADHD. Các báo cáo khoa học đã cho thấy các loại thuốc để điều trị ADHD có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm ở những em này… Do đó, việc cải thiện tình trạng trầm cảm qua thói quen tập thể dục ở trẻ bị ADHD sẽ giúp giảm lạm dụng những loại thuốc này và tránh được các tác dụng phụ của thuốc.”

Tiến sĩ Wisniewski nói thêm, “Những người mắc chứng ADHD có nhiều nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng ở thời điểm ban đầu. Việc vận động … có thể giúp gia tăng sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ADHD. Đồng thời, những trẻ nhỏ vốn có tính bốc đồng và năng động hơn cũng có thể thụ ích qua việc phóng thích một phần năng lượng và sử dụng năng lượng đó cho một hoạt động. Hoạt động thể chất cũng có thể là cách để trẻ mắc chứng ADHD kết nối và kết bạn, một điều vốn có thể rất khó khăn. Từ đó, gắn kết trẻ nhỏ lại với nhau và tạo điều kiện cho các em có những điểm chung để nuôi dưỡng tình bạn.”

Vẫn còn các nghi vấn về loại bài tập nào có thể là tốt nhất cho những người trẻ mắc chứng ADHD, cũng như số lần tối ưu có thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, những nghiên cứu này khuyến khích hoạt động thể chất như một công cụ hữu ích, ít rủi ro nhưng thường bị giới trẻ thời nay bỏ qua – và đặc biệt đối với những người mắc chứng ADHD.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn